Mình vừa kết lại gần 500 trang cuốn sách Dốc hết trái tim – Howard Schultz (Chủ tịch & CEO của Starbucks). Xuyên suốt những trang sách là hành trình đầy thử thách khi Ông cùng các cộng sự dần đưa thương hiệu café Starbucks với xuất phát điểm là những cửa hàng cafe nhỏ lẻ trên các khu phố không mấy người biết trở thành thương hiệu café “khổng lồ” toàn cầu.
Bên cạnh những chia sẻ và bài học kiên định vượt qua gian nan của người lãnh đạo với tinh thần “dốc hết trái tim” thì còn là những quan điểm và chính sách nhân sự đã thực sự tạo nên văn hoá làm việc và đội ngũ tận tâm cống hiến. Trong bối cảnh những năm đầu kêu gọi vốn đâug tư với nhiều khó khăn về tài chính, lợi nhuận chưa có. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ tối ưu chi phí và họ lựa chọn cắt giảm vào các chi phí nhân sự. Còn ở Starbuck, vị CEO vẫn kiên định với tôn chỉ “không một ai bị bỏ lại phía sau”, ông liên tục thuyết phục các cổ đông đồng thuận các chương trình phúc lợi bằng các chính sách y tế, Esop (chương trình Cổ phiếu hạt đậu) dành cho nhân viên. Điều đặc biệt những chính sách phúc lợi này không chỉ dành cho nhân sự cấp quản lý mà còn quan tâm tới nhân viên bán thời gian, làm việc tại các cửa hàng – điều mà rất hiếm các doanh nghiệp bán lẻ sử dụng nhân sự ngắn hạn lưu tâm.
Các chính sách được đưa ra không chỉ được hiểu là chế độ phúc lợi hào phóng, mà đó thực sự là chiến lược cốt lõi. Chương trình cổ phiếu cũng trao quyền mua cổ phiếu cho số lượng lớn nhân sự, họ không dùng chữ “nhân viên” mà gọi các thành viên trong Công ty là “đối tác”, vì mỗi người đều có quyền nắm giữ cổ phiếu sau thời gian ngắn làm việc ở Starbuck. Thực tế, rất nhiều “đối tác” của Starbuck có nguồn tài chính vững vàng từ các chương trình phúc lợi, họ tận tuỵ cống hiến cho doanh nghiệp bởi họ không chỉ là nhân viên thông thường, làm hết việc cuối tháng nhận lương, họ là những cổ đông hưởng lợi từ lợi nhuận và phát triển của Starbucks.
Ngoài các chính sách lấy nhân viên làm trung tâm, văn hoá phát triển môi trường làm việc tích cực, thẳng thắn, cởi mở cũng là những điều rất ấn tượng mà lãnh đạo Starbuck dày công xây dựng. Từng sự thay đổi trong tổ chức đều được lãnh đạo rất quan tâm, lắng nghe và chia sẻ với các cấp nhân viên. Họ đã dốc tâm dốc sức cùng nhân viên, coi họ như những “đối tác” để cùng phát triển, vậy có lý do gì để đội ngũ nhân sự không “dốc cả trái tim” đồng hành cùng họ?
Còn rất nhiều những câu chuyện trong cuốn sách mà mình nghĩ có thể đúc rút thành những bài học cho những nhà khởi nghiệp, người quản lý và những người làm công tác nhân sự. Mỗi tổ chức có đặc thù khác nhau nhưng mình tin những gì xuất phát từ trái tim sẽ dễ lay động đến tâm thức người khác, vậy nên thay vì đặt câu hỏi “Làm sao để đội ngũ dốc hết trái tim cùng tổ chức?” thì nhà quản trị tiếp cận dưới góc độ dốc hết trái tim của mình cho đội ngũ thì sẽ tìm được câu trả lời phải không cả nhà?