Nhân chương trình Radio nội bộ của công ty mình vừa bước sang số 20 và có bạn hỏi về cách thực hiện, mình chia sẻ một số thông tin triển khai như sau nhé:
💥Làm gì thì làm, việc đầu tiên là xét kỹ lưỡng mục đích và mục tiêu hoạt động. Xác định rõ nội dung này là đã làm rõ được phần nào con đường triển khai hiệu quả. Như ở công ty mình, chương trình radio được xác định là kênh truyền thông nội bộ, giúp cập nhật thông tin các hoạt động công ty và là kênh giao lưu, gắn kết, kéo gần khoảng cách các đơn vị, cá nhân trong tổ chức (đặc thù bên mình có nhiều dự án làm việc tại các địa điểm khác nhau).
💥 Xác định mục đích và giá trị của hoạt động mang lại cho tổ chức cũng là nguồn động lực để vực dậy tinh thần team tiếp tục duy trì khi có những giai đoạn “down mood”, lúc đó lại mang giá trị, mục tiêu ra “niệm thần chú”, tiếp tục đưa các số radio lên sóng ^^
Các yếu tố cần quan tâm khi triển khai chương trình Radio nội bộ
Nội dung có gì?
📌Nhạc hiệu và tên chương trình
Như một “món ăn tinh thần” nên chương trình cần có tên gọi, tên từng chuyên mục và dấu hiệu nhận biết. Là kênh truyền tải thông tin bằng âm thanh nên nhạc hiệu cho chương trình và mỗi chuyên mục cũng rất quan trọng. Tuỳ theo đặc điểm chuyên mục để chọn nhạc hiệu và lời dẫn phù hợp, làm sao để thính giả chỉ cần nghe nhạc nổi lên là nhận ra ngay là mình chuẩn bị nghe chuyên mục nào.
📌Chủ đề
Mỗi số radio team mình làm đều có chủ đề khác nhau, danh mục chủ đề thường được lên trước từ đầu năm dựa trên các sự kiện lớn. Tuy nhiên, chủ đề hoàn toàn có thể được thay đổi để cập nhật chuẩn nhất với mục tiêu truyền thông nội bộ tại thời điểm phát sóng. Chủ đề sẽ được đưa vào nội dung xuyên suốt chương trình.
📌Khung nội dung radio
✅Điểm tin nổi bật:
Điểm lại các tin “hot” của công ty. Ví dụ tháng rồi ký hợp đồng dự án nào, triển khai quy định gì, vinh danh cá nhân nào…
✅ Trò chuyện khách mời:
Chuyên mục này hay nè! Tương ứng chủ đề, mỗi số radio, chúng mình mời 1 hoặc 2 khách mời – là những nhân sự trong công ty (tương lai chúng mình sẽ mở rộng mời thêm khách mời bên ngoài tổ chức). Chuyên mục sẽ phỏng vấn, giao lưu và là màn tung hứng giữa MC và khách mời về chủ đề được chọn.
✅Món quà âm nhạc:
Chuyên mục này cũng hay nha. Chúng mình có đường link, truyền thông thường xuyên để nhận những “món quà tinh thần” là các ca khúc được nhân sự trong công ty gửi tặng cho nhau. Để thay đổi không khí, một số chương trình radio sẽ được dành để phát các ca khúc cùng chủ đề hoặc các món quà âm nhạc do khách mời lựa chọn gửi tặng.
✅ Minigame:
Úi zời, mục này “hút hàng” lắm. Gì chứ động vào thi thố, cạnh tranh, giải thưởng thì “hot” hơn cả khách mời Mỗi số trao khoảng 3-4 giải, anh em trúng giải lại dùng giải thưởng khao, đúng là vui cả làng!
Nguồn lực ra sao?
📌 Nhân sự: Huy động team Ban biên tập là một cách hiệu quả để vừa có ý tưởng, có nhân lực thực hiện chương trình, vừa để việc văn hoá tổ chức không phải là việc riêng ai. Tốt hơn thì “cài” mỗi đơn vị, phòng ban có 1-2 người tham gia vào team. Như bên mình có Ban văn hoá, chinh chiến các sự kiện nội bộ, các chương trình văn hoá rất vui.
📌 Khách mời, MC: Nên có khoảng 1-2 MC chủ trì chính, mỗi chương trình MC chính sẽ dẫn cùng 1 MC đồng hành. Khách mời được thay đổi theo mỗi số, tuỳ theo chủ đề để mời nhân vật phù hợp. Bên mình nhiều anh em kỹ sư công trường cơ mờ cũng thích “sâu bít” phết, khách mời nào cũng siêu nhiệt tình, từ lãnh đạo đến chú Thủ kho ^^
📌 Chi phí: Là chương trình nội bộ, cây nhà nên chi phí cũng “lá vườn” lắm. Đầu tư ban đầu mấy chiếc tai nghe có mic cài (loại này rẻ lắm) để cắm vào điện thoại thu âm. Thế mà toàn bảo nhau là phòng thu xịn xò À, mà đúng là xịn xò thật vì bên mình có anh IT kiêm kỹ thuật âm thanh ánh sáng “hịn” nên chỉnh sửa file chẳng khác gì phòng thu.
Có mất nhiều thời gian không?
Mỗi số radio mình chuẩn bị khoảng 4 ngày trước khi lên sóng. Nói là ngày thôi chứ 1 ngày còn làm đủ thứ việc khác, không dành nguyên cả chục giờ/ngày cho radio được đâu. Thế nên, quy ra giờ cho dễ nhé:
+ Ý tưởng, viết kịch bản: 6h
+ Thu âm: 2h
+ Xử lý kỹ thuật: 8h
+ Thời gian còn lại là truyền thông, báo khách mời chuẩn bị…
Truyền thông cho kênh truyền thông
Việc này quan trọng lắm nha. Vẫn cần đảm bảo đủ truyền thông cả trước, trong, sau khi phát sóng. Tần suất chương trình radio bên mình là 1 tháng/ số nên để tối ưu, chúng mình phát lại hàng tuần nhưng không phát lại toàn bộ chương trình mà phát riêng từng chuyên mục để đỡ nhàm chán.
Khối văn phòng bên mình làm việc trên 1 mặt sàn nên radio phát sóng trên hệ thống âm thanh chung; anh em dự án thì nghe qua link youtube, vì vậy việc truyền thông càng cần lưu tâm để đảm bảo anh em khắp nơi đều biết và tham gia.
Thi thoảng chúng mình sẽ làm khảo sát lấy ý kiến toàn bộ NS công ty đóng góp cho chương trình radio hay hơn. Kết quả khảo sát thú vị lắm, nhiều anh em có ý tưởng rất hay, áp dụng được luôn và quan trọng hơn là tất cả mọi người cùng tham gia đóng góp và triển khai kênh truyền thông nội bộ.
Kết lại, Radio cũng chỉ là một trong số những kênh truyền thông nội bộ và truyền tải văn hoá công ty. Hiệu quả hay không nằm ở cách triển khai. Mình tin là cứ theo mục tiêu, tâm huyết, nghĩ đến đối tượng truyền thông thì kênh nào cũng hiệu quả thôi.
Đặt chiếc link các số radio bên mình ở comment.,Anh chị tham khảo nhé! ACE có kênh truyền thông nội bộ nào thú vị, chia sẻ với mình và mọi người nha!